Kẻ trộm sách (The Book Thief).

Ngày 13/10/2016:

Kẻ trộm sách

Markus Zusak

8

Bài cảm nhận này gồm có bốn phần: sự dẫn lối – ngài thần chết – thiên đàng hay địa ngục – phía cuối con đường.

SỰ DẪN LỐI

Uhhuh, đây chính là kiểu mở đầu kinh điển cho mỗi phần của “Kẻ trộm sách” mà tôi đang cố  gắng học theo (theo một cách nào đó) người dẫn chuyện của chúng ta. Khi viết những dòng này tôi đang cố gắng nhớ lại xem mình đến với cuốn sách này như thế nào, và thú thực là tôi không nhớ nữa (T_T). Tôi chỉ nhớ dạo tôi vào lớp 12 là có down cuốn này về đọc (cũng muốn mua lắm nhưng tài chính không cho phép), ngày đầu tiên tôi đọc được 8 trang, thấy khá thích văn phong, 1 tuần sau đọc đến hơn trang 30, sau đó bẵng đi một thời gian đọc tiếp đến hơn trang 60, và rồi thì tôi đã dẹp nó sang một bên để ngồi dùi mài kinh sử.

Mãi đến tận bây giờ, dạo gần đây tôi mới lôi nó ra đọc tiếp, trí nhớ may thay vẫn còn hình dung được đoạn trước, đọc một lèo 3 ngày hết. Tác giả sẽ giận tôi lắm nếu đọc sách của ông lâu đến hơn 1 năm như vậy. Nào vào chủ đề chính nào.

NGÀI THẦN CHẾT

Tên: Thần chết

Tuổi: không xác định

Nghề nghiệp: thu lại linh hồn của người đã chết, hiện đang quá tải vì Hitler bày ra lắm chuyện quá.

Ngoại hình: không có lưỡi hái, ngoại hình không xác định

Tính cách: lãng mạn, thực tế, hài hước.

Sở thích: thích việc những thằng ngốc dám thách thức thần chết.

Nghề tay trái: đeo bám/ theo dõi/ để mắt (đại loại là thế) một bé gái.

Một chút ghi chú để làm rõ hơn cho tính cách:

Ghi chú thứ 1: bạn sẽ chẳng tìm thấy người nào kể lại một câu chuyện mà không có chút lãng mạn cả

Ghi chú thứ 2: vị thần này thích những màu sắc của bầu trời lúc hoàng hôn, thích cảm giác (thi thoảng) bị rung động bởi sắc màu (căn bản toàn nhìn đời bằng màu đen/xám/..)

Ghi chú thứ 3: Người ta đánh nhau thế nào thì kệ mấy, việc mình mình làm, không những làm mà còn làm rất chăm chỉ, cần mẫn.

Ghi chú thứ 4: thần chết đương nhiên phải thực tế, chả bao giờ vì cái gọi là nước mắt, kêu gào của n nhân vật quần chúng xung quanh mà quên đi nhiệm vụ.

Ghi chú thứ 5: Sự thật là cách nói chuyện của vị thần này rất hài hước

Ví dụ :” Điều tệ hơn một thằng nhóc ghét bạn là nó thích bạn”

Một số biện bạch cho sở thích:

Thần chết said: “Tôi không nghĩ đấy có thể gọi là sở thích. Bạn biết đấy cái giống loài tự nhận mình là động vật bậc cao này ý mà thì lại toàn tránh nói đến cái chết, trong khi những thứ khác có thể rất vui vẻ mà gặp tôi. Bảo sao tôi không thấy khoái việc một thằng nhóc con (tên nó là Rudy) tuyên bố sẽ xử tôi nếu nó gặp tôi được. Một sự dũng cảm đần độn. Cơ mà nhiều khi mấy thằng ngu lại làm người khác vui hơn là mấy thằng giả ngu. Các bạn yên tâm, riêng thằng Rudy là tôi sẽ cho nó suất phục vụ đặc biệt.”

Một số ý kiến về nghề tay trái:

Thần chết: Tôi thấy quan ngại về trí não của con người. Bạn không thể gọi nó là một nghề nếu nó không đem lại giá trị vật chất đúng không? Tôi đơn thuần chỉ hứng thú với một con bé trộm sách nên để mắt nó vài năm mà thôi,

Liesel Meminger: Thú thực tôi không biết là mình bị theo dõi trong khoảng thời gian lâu đến vậy. Lúc tôi nhìn thấy ông ta, ông ta mới kể qua loa cho tôi rồi dẫn (hồn) tôi đi (tất nhiên)

Rudy: Một lần nữa tôi xin thề sẽ đập lão ta nếu tôi gặp lão

Thần chết: Ờ

N người khác: câm nín

THIÊN ĐÀNG HAY ĐỊA NGỤC

Địa điểm: phố Thiên Đàng, Munich, Đức quốc xã

Tình trạng xã hội: chiến tranh thế giới lần thứ II, sự bài trừ người Do Thái

Nhân vật chính: Gia đình (hiện tại) của Liesel

Nhân vật phụ: những người trong phố Thiên Đàng

Con người bước chân vào gia đình nhân vật chính: Max

Một chút điều cần biết về Max:

24 tuổi, từng là tay đấm bốc, hiện thất nghiệp

Điều quan trọng cần đề cập đến về Max: anh ta là người Do Thái

Cuộc sống: trốn chạy từ năm (khoảng) 20 tuổi, đến nhờ sự giúp đỡ của Hans Hubermann- bố hiện giờ của Liesel

Lý do được giúp đỡ: con trai của người Hans mang ơn

Một chút điều cần biết về nhân vật chính: ký quặc

Một kẻ trộm sách – một người thợ sơn kiêm chơi đàn xếp – một người phụ nữ thô tục, làm nghề giặt ủi.

Mọi người đều có cái bí mật riệng. Tuy nhiên họ đều có bí mật chung.

Thế giới trong và ngoài cánh cửa khác nhau.

Bên trong cánh cửa đó có một người Do Thái

Một số điều cần biết về nhân vật phụ: bức tranh hỗn tạp

Một thằng nhóc thích con bạn cùng tuổi có ước mơ thành Owens

Một gã huýt sáo

Một bà (cuồng) trung thành với Quốc trưởng

Một phu nhân thị trưởng trong căn nhà có phòng sách to

….vv

Không khí chung: mọi người đều cần yêu quý Quốc trưởng

PHÍA CUỐI CON ĐƯỜNG

Tình trạng trên phố Thiên Đàng: Max vẫn ở đó nhưng hầu như không ai biết

Tình trạng trong nhà số 33: Liesel và Max đều tìm được những điều ấm áp

Tình trạng cuốn sách: ngôn từ vượt lên trên tất cả

Tình trạng người đọc (là tôi): ế hết rồi à

Tình trạng trong tưởng tượng của người đọc: bi kịch sẽ đến với nhà số 33, Max bị phát hiện, rất nhiều người chết.

Tình trạng hiện giờ cả người đọc: Đói quá, viết xong đi nấu cơm thôi.

Kết luận chung: Nếu đọc xong tất cả những điều này mà bạn vẫn còn hứng thú, còn chần chừ gì nữa mà không đi đọc sách (và mua nếu có thể).

*hạ rèm* *đóng lap, dậy đi nấu cơm*

 

Gatsby vĩ đại

5

5/10/2016

The Great Gatsby- Gatsby vĩ đại ( Vietnamese version)

Tác giả: F Scott Fitgerald

Tôi biết đến “Gatsby vĩ đại” là vào hồi lớp 9. Thuở đó, tôi có một cô bạn tên Hoa tính cách thú vị lắm, theo cách ăn nói mà suy thì ít ai nghĩ con người đó lại thích đọc sách cho đặng. Nhưng tôi không có mượn “Gatsby vĩ đại” của cậu ấy, tôi mượn cuốn “Hãy nói yêu thôi đừng nói yêu mãi mãi.” Cuốn sách này để lại khá nhiều duyên với tôi, trong đó một là cái duyên đến với Phạm Lữ Ân, hai là cái duyên đến với Gatsby.

Có một tản văn mà tôi đọc xong tôi đã ấn tượng với bút danh Phạm Lữ Ân để rồi yêu thích vợ chồng bác ý, đó là “Lắng nghe lời thì thầm của trái tim”. Tôi thấy nó giống tên một bộ phim hoạt hình của Ghibli, thế là đọc, tính ra cái duyên này bắt quàng lên nhau nhiều phết. Mở đầu bài đó có một đoạn thế này:

“Khi đọc truyện Gatsby vĩ đại của Scott Fitzgerald, tôi vô cùng thích thú với đoạn mở đầu: “Hồi tôi còn nhỏ tuổi, nghĩa là hồi dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu hơn bây giờ, cha tôi có khuyên tôi một điều mà tôi ngẫm mãi cho đến nay: Khi nào con định phê phán người khác thì phải nhớ rằng không phải ai cũng được hưởng những thuận lợi như con cả đâu. Ông không nói gì thêm, nhưng vì hai cha con chúng tôi xưa nay vẫn rất hiểu nhau, mà chẳng cần nhiều lời nên tôi biết câu nói của ông còn nhiều hàm ý khác. Vì vậy tôi không thích bình phẩm một ai hết. Lối sống ấy đã mở ra cho tôi thấy nhiều bản tính kỳ quặc, nhưng đồng thời khiến tôi trở thành nạn nhân của không ít kẻ chuyên quấy rầy người khác”.

Có thể bạn sẽ cười chê, nhưng cô bé mười lăm tuổi khi đó đã chép lại cả bài viết này vào vở, rồi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, và tự nhủ “à rồi mình sẽ đọc “Gatsby vĩ đại””

Cái sự “sẽ” đó kéo dài đến ba năm sau tôi mới (có thời gian rảnh và) quyết tâm đọc “Gatsby vĩ đại”

Trước khi đọc, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho một nhân vật xuất chúng, tài giỏi, đức độ hơn người, người gặp người yêu hoa gặp hoa nở, chính là người mà mọi người đều cảm phục vậy. Nhưng rồi, thú thực đến nửa truyện tôi vẫn chưa thấy cái anh chàng Gatsby này vĩ đại ở chỗ nào, ngoại trừ việc thông qua con mắt bạn nhân vật chính (tôi là tôi rất thích bạn này) thì anh Gatsby này rất ư bí ẩn và thú vị. Nửa cuốn truyện trôi qua, tôi ấn tượng (và thiện cảm) với Gatsby duy bởi nụ cười. Đại khái nhân vật Nick (nhân vật “tôi”) nhận xét đó là nụ cười nhìn thấu cái tốt đẹp của người khác, nụ cười chân thành khiến người khác cảm thấy an toàn, một nụ cười hoàn toàn có thể tin cậy được. Tôi không thể tưởng tưởng nổi nụ cười có thể thấu cái tốt đẹp của người khác là nụ cười như thế nào. Nếu có cơ hội được gặp nụ cười này, chắc hẳn tôi sẽ yêu luôn lận! Cơ mà chỉ được nụ cười thôi, đến đây Gatsby trong tôi (và trong Nick một phần) là một anh chàng công tử nhà giàu, tiền nhiều đến độ không biết xài vào đâu, mua cái biệt thự to tổ chảng ở West Egg rồi còn thường xuyên tổ chức tiệc tùng thâu đêm. Mà nào có phải tiệc giữa mấy nhà tài phiệt, con cô cậu ấm với nhau, là tiệc anh chàng này tự tổ chức, chả biết có gửi thư mời ai không (thấy có đề cập gửi mỗi Nick – hàng xóm) toàn thấy khách lạ, chỉ cần thích thì cứ đến, đến là tiếp đãi. Kiểu tự dưng có tiệc chùa, ăn uống miễn phí mà toàn đồ ngon, rượu thoải mái, gặp người không quen, không cần câu nệ, tiệc thế này đến người đọc còn muốn đi nữa là. (ở nước ngoài thôi chứ ở Việt Nam mình, của chùa một cái dân bu hơn ruồi, sợ một hai tuần là không chịu nổi luôn ý chứ). Gatsby qua lời kể của khách hiện lên là thành phần bất hảo thấy sợ. Hắn là “tay buôn lậu”, “từng giết người”, “họ hàng gì đó với vị vua (tôi quên tên rồi) xxx”,….. Kể cũng tội anh này, đãi người ta mà chả ai chịu đi tìm mặt chủ nhân, cứ ăn chơi một đằng, nói xấu chủ nhân bữa tiệc một nẻo… Còn người đọc là tôi thì thấy hoang mang lắm, con người này thì “vĩ đại” ở đâu nhỉ?

Và khi mối quan hệ của Daisy (em họ Nick) và Gatsby dần hé lộ, cũng như quá khư của Gatsby thông qua lời Nick tường thuật lại những gì Gatsby kể với  anh.Tôi bỗng thấy anh là con người vô cùng kiên định, dũng cảm. Dũng cảm vì anh từ hai bàn tay trắng đã có được cái cơ nghiệp như thế này. Tôi không biết anh có làm ăn bất chính hay không nhưng mà cách sống và cách cư xử của anh có cái gì đó rất hòa nhã, lịch thiệp, và văn minh (là nụ cười đó). Kiên định vì trong trái tim bồng bột của tuổi trẻ, anh đã sống, đã khát khao, đã cố gắng vươn lấy giấc mơ 5 năm: giấc mơ anh có thể cùng Daisy chung sống hạnh phúc đến già. Daisy giống như bông hoa anh không thể hái, dù anh có cơ hội được vờn quanh nó, nâng niu nó nhưng nó vẫn vụt khỏi anh. Bởi khoảng cách giàu-nghèo, bởi khoảng cách địa lý, bởi chiến tranh, có lẽ còn rất nhiều thứ nữa. Sau khi Daisy đi lấy chồng, anh đã dùng hết số tiền mình có quay về nơi kỉ niệm của hai người. Tôi giống như bị ám ảnh bởi những cảnh “bắt ánh nắng” vậy, hình ảnh anh ngồi trên con tàu đi ra khỏi nơi đó, đầu ngoảnh lại nhìn mãi về miền đất xa dần kia, đầy sáng, đầy hạnh phúc, đầy tươi mát, tươi mát nhất của anh.Tôi nghĩ Daisy trong anh giống như một sự day dắt, dần thành một khát khao, một nơi biết là không thể với tới nhưng vẫn cố dối mình. Tình yêu, kỉ niệm, day dứt, tôi không biết tình cảm cuối cùng của anh dừng ở mức nào, chỉ biết anh đã cứ sống trong giấc mộng với cô gái đó, và chết trong hy vọng bảo vệ cô gái đó.

Cô ấy đâm chết một người bằng xe của anh, anh (vô tình) ngồi kế bên, cố cứu vãn nhưng không được, anh mặc kệ, anh đã đưa cô về nhà, còn đứng ở góc khuất ngoài cổng để trông chừng nhỡ chồng cô có buộc tội cô, thậm chí cứ thế vẫn để chiếc xe ở nhà mình. Chồng của người bị đâm chết bắn chết anh, rồi người ta tìm thấy hai thi thể: Gatsby và ông ta. Trong câu chuyện này, tôi không biết nên buộc tội một ai, bởi với Daisy cô cũng đáng thương, chồng Daisy cũng thế, ông chồng kia cũng thế,…

Ám ảnh tôi nhất là khi Gatsby chết đi, người duy nhất còn lại bên anh là Nick – “người anh em” nhà kế bên, và rồi thêm cha anh, cùng ông khách từng mò vào thư viện nhà anh. Còn lại không ai cả, những người vui thú, những người đê mê trong cuộc vui, những người ở trọ, những mối làm ăn, thậm chí Daisy và chồng cô, không ai đến, không bóng người nào. Chỉ có cơn mưa rơi nặng hạt.

“Phúc thay cho kẻ chết có cơn mưa rơi.”

Này Gatsby anh có thấy hạnh phúc không? Anh có buồn không?

Đừng buồn quá anh nhé! Buồn một chút thôi! Anh đã sống trọn vẹn lắm rồi.

Và ít ra anh chắc phải vui lắm vì gặp được một người như Nick.

Một người thật tốt, đúng nhỉ?

Và mưa cứ rơi, rơi mãi không thôi.